Thai phụ 35 tuần có biểu hiện đau đầu sau đó lên cơn co giật, tím tái toàn thân, được chẩn đoán tiền sản giật và nhanh chóng được báo động đỏ liên viện, tiến hành đặt nội khí quản, mổ bắt con.
Trường hợp phối hợp can thiệp điều trị cấp cứu một sản phụ bị sản giật nặng trong tình trạng nguy kịch vừa được Bệnh viện Quận 7 phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) thực hiện. Cả mẹ và con đã được cứu sống.
Theo đó, ngày 4/3 khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 7 đã tiếp nhận thai phụ N.L.P.H (19 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội và huyết áp cao.
Thai phụ con so 35 tuần 5 ngày, ngôi đầu, chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Sau quá trình chẩn đoán nhanh, các bác sĩ cấp cứu nhận định đây là trường hợp tiền sản giật có dấu hiệu nặng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã nhanh chóng cho thai phụ thở oxy, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, điều chỉnh huyết áp, siêu âm tại giường, đồng thời khẩn trương mời bác sĩ sản khoa của bệnh viện hội chẩn.
Sau 10 phút nhập viện, bệnh nhân đột ngột lên cơn co giật, tím tái toàn thân, huyết áp không đo được; mạch không bắt được, ê-kíp trực cấp cứu cùng bác sĩ sản khoa tiến hành hồi sức tích cực cho thai phụ, tiến hành đặt nội khí quản, ấn tim ngoài lồng ngực, điều chỉnh huyết áp.
Dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật.
Nhận định đây là một trường hợp sản giật nặng, nguy kịch nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con nên bệnh viện đã quyết định kích hoạt quy trình "báo động đỏ liên viện" với Bệnh viện Từ Dũ.
Sau 2 phút hồi sức tích cực thì thai phụ có nhịp tim trở lại, huyết áp lúc này là 220/120 mmHg. Trong khi chờ ê-kíp bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ đến hỗ trợ, nhân viên các khoa bao gồm khoa Cấp cứu, Sản, Nội (Huyết học), Xét nghiệm (dự trù máu), Nhi, Gây mê Hồi sức, của Bệnh viện Quận 7 đã chủ động phối hợp vừa hội chẩn nhanh tại khoa Cấp cứu vừa chuyển thai phụ lên phòng mổ kịp thời.
Sau khoảng 30 phút sau, ê-kíp các bác sĩ phẫu thuật và hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ đã có mặt tại phòng mổ của Bệnh viện Quận 7 để hỗ trợ phẫu thuật khẩn cấp "bắt" một bé trai cân nặng 2500g, apgar 5/6 (chỉ số apgar là bài kiểm tra sức khỏe đầu tiên cho bé sơ sinh, nếu apgar 4 – 7 điểm trẻ bị ngạt, cần được hồi sức tốt - PV).
Sau sinh bé được đặt nội khí quản, cho thở oxy và hồi sức tích cực. Sản phụ được tiến hành thắt động mạch tử cung hai bên, khâu ép tử cung để cầm máu. Ê-kíp các bác sĩ của 2 bệnh viện hội ý, quyết định bảo tồn tử cung vì thai phụ còn trẻ (19 tuổi).
Sau 1 giờ 30 phút can thiệp phẫu thuật, tình trạng của bé sơ sinh tạm ổn định, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã đưa bé về khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện để tiếp tục chăm sóc và theo dõi.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của sản phụ tạm thời ổn định, không còn chảy máu và tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức sau mổ Bệnh viện Quận 7.