3 loại trà thảo mộc hỗ trợ giảm mỡ thừa

 Mỡ thừa không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tăng nguy cơ gây nhiều bệnh nguy hiểm. Để giúp giảm mỡ thừa, bên cạnh việc tập luyện và chế độ ăn uống đúng cách, có thể thêm một số loại trà thảo mộc vào chế độ giảm cân này.

1. Trà lá sen giảm mỡ thừa

Lá sen có tên khoa học Folium Nelumbinis. Tên đông y là hà diệp.

Lá sen sau khi phơi khô, lá nguyên có hình tròn, nhăn nheo, nhàu nát, đường kính từ 30 – 60cm. Mặt trên lá màu lục tro, hơi nhám; mặt dưới màu lục nâu, nhẵn bóng, mép nguyên. Gân lá sen có khoảng 17 - 23 gân tỏa tròn như hình nan bánh xe. Lá có mùi thơm rất đặc trưng.

Tính vị: Vị đắng, hơi chát, tính bình. Quy kinh: Can, tỳ, vị.


Trà lá sen có tác dụng giảm mỡ thừa trong cơ thể.

Tác dụng: Thẩm thấp, thanh nhiệt, khử ứ, chỉ huyết.

Bên cạnh ứng dụng chính của lá sen trị chứng say nắng, sốt vào mùa hè, buồn nôn kèm đi ngoài… Lá sen tươi còn được sử dụng để chống oxy hóa, giúp hạ lipid máu, giảm cân, giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể.

Cách dùng: Lấy 20g lá sen tươi, hãm với nước nóng thành trà uống thay nước lọc hàng ngày.

Lưu ý: Lá sen chống chỉ định với phụ nữ đang trong thời kỳ hành kinh, phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Không sử dụng lá sen uống dài ngày.


2. Trà giảo cổ lam

Giảo cổ lam có tên khoa học là Gynostemma pentaphylium, thuộc họ Bầu bí.

Giảo cổ lam có thân cây mảnh, có các tua cuốn đơn để leo. Lá đơn xẻ sâu như lá kép chân vịt. Hoa hình chùy, mang nhiều hoa nhỏ trắng tạo thành cụm. Quả khô hình cầu, thường có đường kính 5 - 9mm, quả khi chín có màu đen.

Bộ phận thường dùng của cây giảo cổ lam là lá và cành non.

Trà giảo cổ lam có tác dụng giảm mỡ máu.

Tính vị: Vị đắng, hơi ngọt, tính mát.

Quy kinh: Phế, tỳ, thận.

Tác dụng: Ích khí kiện tỳ, thanh nhiệt giải độc, tư âm, tiêu đờm giảm ho.

Giảo cổ lam có nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe, thường được kê đơn trong trường hợp giảm mỡ máu, hỗ trợ điều trị bệnh lý viêm gan, tăng lipid máu, cơ thể suy nhược và mệt mỏi... 

Cách dùng: Lấy 5 - 10g giảo cổ lam khô, hãm lấy nước uống hàng ngày.

Lưu ý: Không uống giảo cổ lam vào buổi tối; không sử dụng giảo cổ lam để qua đêm; không dùng giảo cổ lam quá 60g khô/người/ngày.

3. Trà sơn tra

Sơn tra có tên khoa học là Crataegus pinnatifida (sơn tra có nguồn gốc từ Trung Quốc) hoặc Crataegus cuneata (sơn tra có nguồn gốc từ Việt Nam), họ Hoa hồng.

Sơn tra là một cây cao 6m, cành nhỏ thường có gai. Lá dài 5 - 10cm, rộng 4 - 7cm, có 3 - 5 thùy, mép có răng cưa, mặt dưới dọc theo các gân có lông mịn, cuống lá dài 2 - 6cm. Hoa mẫu 5, hợp thành tán. Đài có lông mịn, cánh hoa màu trắng.

Quả sơn tra có hình cầu, đường kính 1 - 1,5cm và khi chín có màu đỏ thắm. Quả sơn tra hay còn gọi là chua chát, táo mèo chín được hái về. Thái ngang hay bổ dọc, phơi hay sấy khô.


Sơn tra có tác dụng giảm mỡ máu.

Tính vị, qui kinh: Vị chua, ngọt, tính ấm. Qui vào kinh tỳ, vị, can.

Tác dụng: Tiêu thực, hóa tích.

Sơn tra được dùng trong các trường hợp mắc một số bệnh ở đường tiêu hóa như ăn uống chậm tiêu, đầy chướng bụng khó chịu, đầy bụng ợ hơi không tiêu, giảm mỡ máu, tăng cường sức đề kháng…

Cách dùng: Dùng 10g sơn tra khô, hãm với nước nóng già, uống thay nước lọc hàng ngày.

Lưu ý: Không nên dùng sơn tra với người mắc chứng chán ăn lâu ngày, không kèm triệu chứng khó tiêu. Chỉ nên dùng sơn tra uống trong các trường hợp bệnh mới diễn ra do thức ăn thịt cá nhiều dầu mỡ, giàu lipid, thừa năng lượng cần thiết cho cơ thể.

Ngoài ra, cùng với việc sử dụng các loại trà thảo mộc để giúp giảm mỡ hiệu quả bạn cần có một chế độ ăn lành mạnh, chế độ ăn giảm mỡ cũng như có chế độ tập luyện thể dục thể thao đúng đắn, đều đặn, xây dựng những thói quen tốt giúp đánh bay các khối mỡ tích tụ trong cơ thể.

Mới hơn Cũ hơn