Thuốc nào cũng có tác dụng phụ. Mức độ dễ bị tổn thương bởi các bất lợi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Mỗi người trong chúng ta đều là duy nhất. Tuy nhiên, một số yếu tố cá nhân nhất định khiến một số người có nhiều khả năng bị tác dụng phụ của thuốc hơn những người khác. Dưới đây là những yếu tố nguy cơ có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc:
1. Tuổi tác là một nguy cơ làm tăng tác dụng phụ của thuốc
Yếu tố quan trọng nhất trong số này là tuổi tác. Trẻ em và người già luôn luôn là những đối tượng dễ bị những phản ứng không mong muốn của thuốc hơn.
+ Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Cách cơ thể trẻ hấp thụ, chuyển hóa và đào thải thuốc khác với người lớn, đặc biệt ở trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ có xu hướng hấp thu thuốc từ dạ dày chậm hơn nhưng tốc độ hấp thu qua đường tiêm bắp nhanh hơn.
Trong giai đoạn đầu đời, trẻ em có tỷ lệ nước trên lipid trong cơ thể cao hơn và tỷ lệ gan trên trọng lượng cơ thể lớn hơn. Chức năng thận của trẻ cũng chưa trưởng thành. Ngoài ra, tính thấm của hàng rào máu não (lớp tế bào hạn chế sự di chuyển của các chất từ máu lên não) cao hơn. Tất cả những yếu tố này làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.
+ Người lớn tuổi thường dùng nhiều thuốc hơn và các nghiên cứu cho thấy đối tượng này có khả năng phải nhập viện cao gấp bảy lần do tác dụng phụ của thuốc.
Vì sao thuốc có tác dụng phụ ngoại ý?
Có nhiều yếu tố làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc.
Bên cạnh đó, người cao tuổi có nhiều khả năng sử dụng các loại thuốc có ranh giới giữa liều điều trị và liều độc hẹp hơn như warfarin (thuốc làm loãng máu), insulin (trị đái tháo đường), digoxin (thuốc trợ tim) và thuốc chống động kinh.
Cơ thể của người cao tuổi có xu hướng có nhiều chất béo và ít nước hơn. Điều này có thể làm tăng thời gian tác dụng của một số loại thuốc. Ngoài ra, quá trình trao đổi chất ở gan và bài tiết qua thận thường bị giảm. Bộ não của họ cũng nhạy cảm hơn với tác dụng an thần của thuốc và các vấn đề tồn tại từ trước, chẳng hạn như chóng mặt, các vấn đề về mắt và tai, có thể trở nên trầm trọng hơn, làm tăng nguy cơ té ngã.
2. Các yếu tố cá nhân
Một số yếu tố cá nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong khả năng xảy ra tác dụng phụ.
+ Di truyền: Gen cũng ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể với thuốc và yếu tố di truyền chiếm 20-95% khả năng biến đổi của bệnh nhân.
Nhiều nghiên cứu đã thử nghiệm các biến thể của men gan đối với chuyển hóa thuốc. Ví dụ, codeine cần được chuyển hóa thông qua CYP2D6 để chuyển đổi thành một trong những chất chuyển hóa có hoạt tính của nó là morphin. 5-10% số người có khả năng chuyển hóa kém - có nghĩa là ở những người này, rất ít codeine được chuyển thành morphine dẫn đến giảm đau không đủ. Tuy nhiên, 1-2% số người là những người chuyển hóa cực nhanh và nhiều codeine được chuyển thành morphin hơn bình thường, dẫn đến nguy cơ phản ứng độc hại cao hơn bao gồm cả suy hô hấp.
+ Chức năng thận: Nếu thận không hoạt động bình thường thì tác dụng phụ của thuốc sẽ dễ xảy ra hơn, nếu bạn đang dùng thuốc được bài tiết qua thận. Một số loại thuốc khác có thể mất tác dụng khi chức năng thận suy giảm.
+ Giới tính: Một số enzyme gan ở phụ nữ có hoạt động thấp hơn. Tỷ lệ mỡ và nước trong cơ thể cao hơn và độ thanh thải thuốc qua thận giảm hơn nam giới. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm độc gan do thuốc, tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, phản ứng dị ứng da và hội chứng QT kéo dài cao hơn ở nữ giới.
3. Các yếu tố liên quan đến thuốc
Những ảnh hưởng liên quan đến thuốc bao gồm:
+ Liều dùng thuốc: Liều càng cao nguy cơ tác dụng phụ càng lớn.
+ Công thức được sử dụng: Ví dụ, steroid dạng hít nhắm trực tiếp vào phổi và tạo ra ít tác dụng phụ hơn so với steroid đường uống có tác dụng toàn thân nhiều hơn.
+ Thuốc được hấp thu, chuyển hóa, phân phối và đào thải như thế nào…
+ Các loại thuốc khác đang được dùng cùng một lúc (tương tác thuốc).
4. Ảnh hưởng liên quan đến môi trường hoặc xã hội
Các ảnh hưởng liên quan đến môi trường hoặc xã hội bao gồm:
+ Mức độ uống rượu: Rượu có thể làm tăng thêm một số tác dụng phụ như buồn ngủ, lú lẫn, thay đổi huyết áp, hành vi bất thường, suy hô hấp, buồn nôn và nôn..
+ Hút thuốc: Các enzyme gan CYP 1A2 và 2B6 được tạo ra do hút thuốc lá. Những enzyme này chuyển hóa một số loại thuốc quan trọng về mặt lâm sàng (như clozapine, olanzapine và methadone), có nghĩa là việc ngừng hút thuốc đột ngột có thể làm tăng nồng độ của những loại thuốc này trong máu. Liệu pháp thay thế nicotine không ảnh hưởng đến hoạt động của enzyme.
+ Chế độ ăn uống: Một số loại thuốc tương tác với thực phẩm. Ví dụ: Atorvastatin với bưởi, rau lá xanh và warfarin, cam thảo đen tự nhiên và lithium, bổ sung muối và kali và thuốc ức chế ACE, thực phẩm có chứa tyramine và thuốc chống trầm cảm MAOI…
+ Mức độ hydrat hóa: Mất nước có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của một số loại thuốc. Một số loại thuốc không nên dùng cho người bị mất nước bao gồm thuốc ức chế ACE, NSAID, metformin và thuốc lợi tiểu.
+ Sự hiểu biết về thuốc: Tác dụng phụ có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu hướng dẫn không rõ ràng hoặc người bệnh không hiểu tại sao họ lại dùng thuốc… Cả hai đều có thể dẫn đến việc dùng sai liều lượng, làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.