Giống như ruột, âm đạo chứa một hệ vi sinh vật được tạo thành từ các vi sinh vật có lợi giúp duy trì sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, đôi khi hệ vi sinh vật âm đạo có thể mất cân bằng, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây bệnh, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tình dục.
1. Những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo
Sức khỏe âm đạo bao gồm nhiều yếu tố, từ vệ sinh, không mắc bệnh đến khả năng sinh sản. Giống như ruột, âm đạo chứa một hệ vi sinh vật được tạo thành từ các vi sinh vật có lợi giúp duy trì sức khỏe tổng thể. Sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật có thể dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm nấm men hoặc các vấn đề khác.
Theo BSCKI Hoàng Hường, chuyên Sản phụ khoa, hệ vi sinh vật âm đạo bị thay đổi bởi nhiều nguyên nhân. Chúng có thể thay đổi một cách tự nhiên trong thời gian hormone dao động như: tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mãn kinh và mang thai.
Sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật âm đạo cũng có thể là kết quả của quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng kháng sinh hoặc vệ sinh không đúng cách.
Khi thấy có dấu hiệu: ngứa, rát, âm đạo tiết dịch bất thường hoặc có mùi bất thường, đau khi quan hệ tình dục… bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị đúng.
Nghiên cứu cho thấy, sự thiếu hụt vitamin, khoáng chất cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo. Tốt nhất bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Chế độ ăn uống đủ vitamin, khoáng chất và lợi khuẩn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, giúp âm đạo khỏe mạnh hơn.
2. Thực phẩm tốt cho sức khỏe âm đạo
Thực phẩm giàu Probiotic
Probiotic là các vi sinh vật sống có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ hỗ trợ tiêu hóa đến cải thiện phản ứng miễn dịch của cơ thể. Probiotic cũng đã được chứng minh cải thiện sức khỏe âm đạo.
Nguyên nhân do âm đạo chứa một loạt vi sinh vật, bao gồm cả những vi khuẩn hữu ích như Lactobacillus. Lactobacillus bảo vệ cơ thể chống lại các vi sinh vật khác có thể dẫn đến nhiễm trùng âm đạo như viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng nấm men.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc bổ sung thực phẩm có chứa Lactobacillus có thể làm tăng lượng Lactobacillus trong âm đạo, đồng thời có thể làm giảm mức độ vi khuẩn có hại trong âm đạo.
Probiotic có chứa Lactobacillus có thể được tìm thấy trong thực phẩm lên men như: sữa chua, dưa cải bắp, kim chi, misô, tempeh…
Thực phẩm chứa vitamin D
Vitamin D được đánh giá có thể giúp cân bằng độ pH trong âm đạo, làm giảm tình trạng khô âm đạo đồng thời cải thiện sự phát triển đa dạng của các tế bào ở lớp lót bên trong âm đạo ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh.
Vitamin D chủ yếu được tìm thấy trong các loại cá như cá hồi, cá mòi; trứng; sữa, phô mai…
Thực phẩm giàu chất xơ
Ăn thực phẩm giàu chất xơ hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi như Lactobacillus trong âm đạo và kiểm soát vi khuẩn có hại.
Nguồn thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: Rau và trái cây; ngũ cốc nguyên hạt; các loại đậu; các loại hạt…
Thực phẩm giàu chất xơ hỗ trợ phát triển vi khuẩn có lợi trong âm đạo.
Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
Viêm âm đạo do vi khuẩn là bệnh phụ khoa phổ biến, ảnh hưởng đến rất nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Căn bệnh này thường xảy ra khi có sự mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo.
Nghiên cứu cho thấy, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao giải phóng glucose nhanh chóng, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn.
Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp giải phóng glucose chậm, giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định và có thể giúp ngăn ngừa viêm âm đạo do vi khuẩn.
Các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt; các loại đậu; các loại rau không chứa tinh bột; các loại trái cây như táo, cam, bưởi; sữa chua nguyên chất…
Mặc dù mối quan hệ giữa viêm âm đạo do vi khuẩn và nồng độ glucose chưa được hiểu đầy đủ nhưng có giả thuyết cho rằng, glucose ảnh hưởng đến dịch âm đạo và lượng glucose cao có thể làm tăng tình trạng viêm, làm suy yếu chức năng miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.