Việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ rất quan trọng, đặc biệt đối với người bệnh mạn tính. Bỏ liều thuốc sẽ ảnh hưởng tới kết quả điều trị, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
1. Hậu quả khi bỏ lỡ liều thuốc ở người bệnh mạn tính
Việc tuân thủ dùng thuốc theo đúng theo chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng, đặc biệt đối với người bệnh mạn tính.
- Khi bạn dùng thuốc thường xuyên, cơ thể sẽ đạt đến "trạng thái ổn định" - lượng thuốc đi vào cơ thể (sự hấp thụ) bằng với lượng thuốc đi ra ngoài (chuyển hóa và bài tiết) và bệnh được kiểm soát.
- Tất cả các loại thuốc đều có "thời gian bán hủy" - tức là thời gian cần thiết để cơ thể đào thải một nửa (50%) lượng thuốc trong cơ thể. Thông thường phải mất khoảng 5 chu kỳ bán rã để thuốc đạt đến trạng thái ổn định hoặc gần như được đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể.
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng không có vấn đề gì khi bỏ lỡ một hoặc hai liều thuốc, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Một số loại thuốc có thời gian bán hủy dài hơn và một số loại thuốc có thời gian bán hủy ngắn hơn. Nếu bỏ liều thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Bỏ liều thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Ví dụ: Nếu thuốc có thời gian bán hủy là 12 giờ, như thuốc trị tăng huyết áp thông thường lisinopril (zestril), nồng độ thuốc trong máu ở trạng thái ổn định có thể giảm một cách nguy hiểm nếu bạn chỉ bỏ lỡ một hoặc hai ngày dùng thuốc. Huyết áp có thể tăng đột ngột, nguy cơ đau tim đột quỵ là rất cao.
- Nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc: Thông thường, tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra tạm thời khi thuốc đạt đến trạng thái ổn định, tức là khi nồng độ thuốc đang tăng lên trong cơ thể. Nếu bạn bỏ lỡ một vài liều và sau đó phải trở lại trạng thái ổn định khi tiếp tục dùng thuốc, bạn có nguy cơ cao gặp lại những tác dụng phụ tạm thời đó. Đây là một lý do chính đáng khác để bạn không bỏ lỡ liều thuốc của mình.
2. Một số lời khuyên giúp người bệnh mạn tính nhớ uống thuốc
2.1 Hiểu về các loại thuốc đang sử dụng
Hiểu mục đích sử dụng thuốc sẽ giúp bạn củng cố khả năng dùng thuốc đúng cách và đúng giờ. Tìm hiểu về tình trạng bệnh lý của mình cũng có thể là động lực mạnh mẽ để tuân thủ dùng thuốc. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh mạn tính như huyết áp cao, đái tháo đường...
Bên cạnh đó người bệnh cần biết về các tác dụng phụ có thể xảy ra để nhận biết chúng (nếu xảy ra). Nhiều tác dụng phụ khi điều trị bằng thuốc chỉ là tạm thời, vì vậy hãy nhớ hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ ngắn hạn và lâu dài hơn với bất kỳ loại thuốc nào.
2.2 Sử dụng hộp đựng thuốc
Hộp đựng thuốc là một công cụ sắp xếp thuốc có thể dễ dàng tìm thấy ở hầu hết các hiệu thuốc. Hộp đựng thuốc đã có từ rất lâu và đặc biệt hữu ích nếu bạn dễ quên uống thuốc mỗi ngày. Công cụ này rất hữu ích cho những người dùng nhiều loại thuốc mỗi ngày và vào những thời điểm khác nhau.
Những bệnh nhân lớn tuổi có thể đặc biệt thấy hộp thuốc tiện lợi khi sử dụng. Các hộp được chia thành các phần riêng lẻ để tạo nên lượng thuốc dùng cho một tuần hoặc nhiều hơn và thậm chí có thể được phân tách theo thời gian trong ngày. Chúng có thể dễ dàng bỏ vào túi du lịch hoặc ví… Tuy nhiên, đừng để hộp thuốc trong xe hơi nóng hoặc quá lạnh... sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng của thuốc.
2.3. Sử dụng ứng dụng điện tử và nhắc nhở uống thuốc
Các ứng dụng giúp bệnh nhân ghi nhớ và theo dõi việc sử dụng thuốc là những công cụ tiện lợi cho bất kỳ ai mang theo điện thoại di động bên người.
Ví dụ: Ứng dụng nhắc nhở uống thuốc có thể lưu giữ danh sách đầy đủ tất cả các loại thuốc của bạn. Bạn có thể chọn nhận lời nhắc uống thuốc vào thời điểm đặc biệt và nhận lời nhắc nạp thuốc theo toa ngay trên thiết bị di động của mình.
2.4. Sử dụng lịch thông báo
Đánh dấu liều lượng thuốc hàng ngày của bạn trên lịch giấy ở nhà, trên máy tính hoặc thậm chí trong cuốn sổ tay nhỏ. Chỉ cần nhớ cập nhật thường xuyên và đánh dấu từng liều khi bạn dùng, đề phòng trường hợp bạn quên hết liều này đến liều khác.
Tạo thói quen đều đặn để giúp bạn nhớ uống thuốc thực sự là điều quan trọng nhất. Cố gắng uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Người bệnh mạn tính cố gắng uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
2.5. Liên kết giờ uống thuốc vào thói quen hoạt động hàng ngày
Bạn có thể gắn liều thuốc của mình với thói quen hàng ngày như thời gian ăn sáng, sau khi tắm hoặc khi chuẩn bị đi ngủ. Cất giữ thuốc ở vị trí dễ nhìn thấy (nhưng an toàn), xa tầm với của trẻ.
Theo thời gian, việc uống thuốc của bạn sẽ trở thành thói quen giống như việc đánh răng, ăn cơm, uống nước hàng ngày (và đó cũng có thể là thời điểm tốt để bạn uống thuốc).
Hầu hết các loại thuốc đều ổn định ở nhiệt độ phòng, nhưng trong điều kiện khắc nghiệt, chúng có thể mất tác dụng, vỡ vụn hoặc thậm chí tan chảy… làm hỏng mục đích điều trị của thuốc.
Đối với thuốc cần được bảo quản trong tủ lạnh, hãy cân nhắc việc dán một tờ giấy nhắc nhở lên tủ lạnh như một lời nhắc nhở lấy thuốc khi đến lúc.
Nếu bạn có các loại thuốc đặc biệt nguy hiểm như thuốc giảm đau opioid, hãy đảm bảo giữ chúng an toàn và bảo mật, thậm chí khóa lại nếu cần, để ngăn trẻ em, thanh thiếu niên hoặc thú cưng vô tình nuốt phải.
2.6. Nhận sự giúp đỡ từ các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè
Việc thành lập một nhóm để giúp nhắc nhở nhau uống thuốc có thể hữu ích. Nếu bạn sống một mình, có thể một người bạn sẽ nhắn tin cho bạn vào mỗi buổi sáng hoặc buổi tối khi họ cũng đang uống thuốc. Nếu một thành viên trong gia đình bạn sống cùng cũng dùng thuốc, sẽ cùng nhau nhắc nhở về việc uống thuốc ngay tại nhà.
Người cao tuổi thường cần được giúp đỡ để ghi nhớ thuốc của họ. Nếu bạn có người thân sử dụng nhiều loại thuốc, hãy cân nhắc việc giúp họ tạo một hộp đựng thuốc, sau đó viết bằng chữ in lớn công dụng của từng loại thuốc cũng như tên và liều lượng của thuốc. Đặt ở nơi dễ thấy nhưng an toàn.
Chữ in lớn trên chai thuốc và bản in thông tin thuốc rất hữu ích khi bệnh nhân lớn tuổi bị giảm thị lực.
2.7. Đơn giản hóa chế độ dùng thuốc
Nếu vẫn thất bại, cần đơn giản hóa chế độ dùng thuốc của bạn. Trường hợp bạn dùng thuốc hai hoặc ba lần mỗi ngày, bác sĩ có thể thay thế loại thuốc tương tự mà chỉ cần dùng một lần một ngày.
Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ những loại thuốc bạn có thể dùng cùng lúc một cách an toàn để hạn chế dùng nhiều liều hàng ngày.
Hãy nhớ kiểm tra xem liệu bạn có thể uống thuốc vào bữa sáng, bữa tối hay giờ đi ngủ hay không - những thời điểm uống thuốc phổ biến nhất (và thường dễ dàng). Hãy thiết lập thói quen của bạn vào khoảng thời gian này nếu có thể.