Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa đưa ra cảnh báo, thuốc trị loãng xương prolia làm tăng nguy cơ hạ canxi máu nặng, ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính (CKD) tiến triển, đặc biệt là ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
1. Hạ canxi máu nặng - một biến chứng gia tăng khi sử dụng prolia
Hạ canxi máu nặng có thể không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện các triệu chứng bao gồm lú lẫn, co giật, nhịp tim không đều, ngất xỉu, co giật mặt, co thắt cơ không kiểm soát được… hoặc yếu, ngứa ran, tê ở các bộ phận của cơ thể.
Hạ canxi máu nặng phổ biến ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính và rối loạn xương khoáng (CKD-MBD). Ở những bệnh nhân bị bệnh thận mạn tiến triển dùng prolia, tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện, đe dọa tính mạng và tử vong.
Do đó, FDA đang sửa đổi thông tin kê đơn prolia để bao gồm ‘Cảnh báo đóng hộp mới’ làm nổi bật về nguy cơ gia tăng này. Bổ sung các thông tin kê đơn của thuốc prolia về nguy cơ đáng kể phát triển tình trạng hạ canxi máu nặng ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tiến triển, bao gồm lựa chọn bệnh nhân thích hợp để điều trị prolia, tăng cường theo dõi nồng độ canxi trong máu và các chiến lược khác; cập nhật vào Hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân và Chiến lược giảm thiểu và đánh giá rủi ro prolia…
Prolia là một kháng thể đơn dòng được phát triển ban đầu để điều trị bệnh loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao hoặc những người kháng trị hoặc không thể dung nạp các liệu pháp khác. Sau đó, thuốc được dùng để tăng khối lượng xương ở nam giới bị loãng xương, những trường hợp có nguy cơ gãy xương cao đang được điều trị bằng liệu pháp thiếu hụt androgen (điều trị ung thư tuyến tiền liệt), phụ nữ có nguy cơ gãy xương cao đang được điều trị bằng thuốc ức chế aromatase (điều trị ung thư vú) và để điều trị bệnh loãng xương do glucocorticoid gây ra cho nam giới và phụ nữ.
Tác dụng phụ thường gặp của prolia bao gồm đau lưng, đau cơ và đau ở cánh tay hoặc chân…
Lưu ý với người bệnh
Đối với người bệnh đang cân nhắc sử dụng prolia để điều trị loãng xương, hãy trao đổi với bác sĩ về chức năng thận và nguy cơ bị hạ canxi máu nghiêm trọng. Việc điều trị bằng prolia có phù hợp hay không cần được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa về chẩn đoán và quản lý CKD-MBD, bao gồm cả chứng loạn dưỡng xương do thận.
Đối với những bệnh nhân đã dùng prolia để điều trị bệnh loãng xương, hãy duy trì đủ lượng canxi và vitamin D trong khi dùng thuốc này.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh thận tiến triển, đặc biệt là những người đang chạy thận nhân tạo được điều trị bằng prolia, nên thường xuyên theo dõi lượng canxi trong máu, đặc biệt là trong 2 - 10 tuần đầu sau mỗi lần tiêm prolia. Trao đổi với bác sĩ về các hướng dẫn cụ thể về liều lượng và bổ sung canxi và vitamin D có thể cần thiết.
Nguy cơ gãy xương, kể cả ở cột sống, sẽ tăng lên sau khi dừng, bỏ qua hoặc trì hoãn dùng prolia. Do đó, người bệnh không được tự ý ngừng thuốc. Thông báo cho bác sĩ biết nếu xuất hiện các triệu chứng gợi ý đến tình trạng hạ canxi máu ở trên.
Lưu ý đối với bác sĩ
Việc kê đơn prolia ở bệnh nhân thận mạn tính tiến triển phải được thực hiện bởi người có chuyên môn về chẩn đoán và quản lý CKD-MBD bao gồm chứng loạn dưỡng xương do thận (một biến chứng làm yếu xương).
Điều trị bệnh xương ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính tiến triển và phụ thuộc vào lọc máu là một thách thức, vì khó chẩn đoán và xác nhận sự thay đổi cơ bản trong quá trình chuyển hóa xương, dẫn đến khối lượng xương thấp và tăng nguy cơ gãy xương, cũng như những cân nhắc phức tạp về lợi ích - nguy cơ của các phương pháp điều trị loãng xương đã được phê duyệt ở nhóm người bệnh này.
Trước khi kê đơn prolia, bác sĩ nên đánh giá chức năng thận của bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính tiến triển, đặc biệt là những người đang chạy thận nhân tạo, bác sĩ nên xem xét nguy cơ hạ canxi máu nặng khi sử dụng prolia trong bối cảnh các phương pháp điều trị loãng xương hiện có khác. Nếu prolia vẫn đang được xem xét cho những bệnh nhân này, để sử dụng lần đầu hoặc tiếp tục, hãy kiểm tra nồng độ canxi trong máu của bệnh nhân và đánh giá xem họ có bằng chứng về CKD-MBD hay không.
Điều trị bằng prolia ở những bệnh nhân mắc thận mạn tính tiến triển, bao gồm cả những người đang chạy thận nhân tạo và đặc biệt là những bệnh nhân được chẩn đoán CKD-MBD, nên có sự tham gia của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chuyên môn về chẩn đoán và quản lý CKD-MBD.
Quản lý đúng cách bệnh CKD-MBD, điều chỉnh tình trạng hạ canxi máu và bổ sung canxi, vitamin D hoạt hóa trước khi điều trị bằng prolia, sẽ làm giảm nguy cơ bị hạ canxi máu nặng và bất kỳ biến chứng liên quan nào.
Sau khi dùng prolia, việc theo dõi chặt chẽ nồng độ canxi trong máu và xử trí kịp thời tình trạng hạ canxi máu là điều cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng như co giật hoặc rối loạn nhịp tim.
Tư vấn cho bệnh nhân báo cáo kịp thời các triệu chứng có thể liên quan đến hạ canxi máu.