Biotin là một vitamin có vai trò quan trọng với cơ thể, đặc biệt là sức khỏe của tóc, da và móng. Vậy bổ sung thế nào cho an toàn?
1. Vai trò của biotin
Biotin (còn gọi là vitamin B7), giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, biotin có tác dụng hỗ trợ sức khỏe của da, dây thần kinh, đường tiêu hóa, trao đổi chất và tế bào. Biotin cũng giúp giảm viêm, cải thiện khả năng nhận thức, giúp hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng lượng cholesterol HDL tốt và giảm lượng cholesterol xấu LDL.
Nhiều năm gần đây, biotin được sử dụng như giải pháp giúp làm đẹp da, giúp mái tóc khỏe, mượt, giảm gãy rụng và chắc khỏe móng. Việc thiếu hụt biotin có thể gây phát ban, rụng tóc và giòn móng.
Biotin giúp mái tóc dày, mượt...
2. Bổ sung biotin bao nhiêu là đủ?
Thông thường, một người lớn khỏe mạnh cần khoảng 30 microgam (mcg)/ngày. Tuy nhiên, mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định liều phù hợp.
Tùy theo độ tuổi mà nhu cầu biotin khác nhau, nhưng ở thanh thiếu niên 14 - 18 tuổi: 25 mcg/ngày. Người lớn 19 tuổi trở lên: 30 mcg/ngày. Phụ nữ mang thai: 30 mcg gày và phụ nữ cho con bú: 35 mcg ngày.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung biotin.
3. Ai cần bổ sung biotin?
Thông thường hầu hết mọi người có thể nhận đủ lượng biotin từ nguồn thực phẩm tự nhiên. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị thiếu hụt như: Phụ nữ mang thai, uống kháng sinh, mắc bệnh viêm ruột...
Có thể cân nhắc bổ sung biotin cho các trường hợp:
- Người bị rụng tóc do bị thiếu biotin.
- Người có mái tóc khô xơ, yếu, chẻ ngọn và gãy rụng sau nhiều lần tác động nhiệt và hóa chất tạo kiểu cho tóc.
- Những người bị stress, thường xuyên mất ngủ, ăn uống thiếu khoa học khiến tóc rụng nhiều.
- Người có nhu cầu làm đẹp da, tóc, móng.
- Người ít tóc, tóc mỏng, khô, yếu muốn cải thiện tình trạng tóc.
- Phụ nữ mang thai.
- Người nghiện rượu, hút thuốc lá.
- Người suy dinh dưỡng, sau phẫu thuật dạ dày, có chế độ ăn thiếu biotin.
4. Tác dụng phụ của biotin
Biotin thường an toàn, và thường được đào thải qua nước tiểu (nếu dư thừa). Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra một số bất lợi như:
- Buồn nôn hoặc khó chịu ở đường tiêu hóa
- Ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm sinh hóa máu gây chẩn đoán bệnh không chính xác.
- Gây mụn trứng cá, phát ban, ngứa...
- Đi tiểu thường xuyên hơn.
- Có thể gây tiêu chảy, gia tăng lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Làm ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc chống động kinh, thuốc chống đông máy, thuốc hạ nồng độ cholesterol…
5. Cần lưu ý gì khi bổ sung biotin?
Biotin có nhiều trong: Gan bò, trứng, cá hồi đóng hộp, hạt hướng dương, khoai lang, quả hạnh… Thông thường, mọi người có thể nhận đủ biotin từ chế độ ăn uống. Nếu chế độ ăn uống không cung cấp đủ lượng vitamin này, có thể sử dụng chất bổ sung. Tuy nhiên, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chính xác cách dùng và liều lượng cần thiết.
Để sử dụng biotin an toàn cần lưu ý:
- Nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng biotin nếu mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, đang mắc một bệnh lý nào đó, đang uống thuốc trị bệnh, đang mang thai hoặc cho con bú…
- Chỉ sử dụng cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Đọc kỹ thành phần trước khi uống.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Để xa tầm tay trẻ em.
- Đậy nắp kín sau khi sử dụng.